Tự hào vùng quê cách mạng Đốc Tín
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đốc Tín Lương Văn Bình, vào những năm 30 của thế kỷ XX, Đốc Tín là một làng nghề phát triển. Những thợ dệt trẻ trong làng có điều kiện giao lưu rộng rãi, sớm giác ngộ cách mạng, tìm đến với Đảng...
Vào những năm 1936-1938, tầng lớp thanh niên trí thức, thợ thủ công và quần chúng nhân dân Đốc Tín đã tích cực tham gia các tổ chức hội quần chúng, phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cuối năm 1938, Đảng bộ tỉnh Hà Đông ra đời, thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời. Tỉnh ủy chủ trương xây dựng phong trào, phát triển cơ sở Đảng đến những nơi có phong trào đấu tranh dân chủ mạnh mẽ. Đốc Tín là cơ sở có phong trào cách mạng sớm và liên tục, có đội ngũ cốt cán được thử thách rèn luyện nên Tỉnh ủy Hà Đông chủ trương phát triển chi bộ Đảng ở đây.
“Đầu năm 1939, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Hiệt đã về Đốc Tín tổ chức kết nạp 3 quần chúng tích cực vào Đảng, đó là các đồng chí: Đặng Đình Tụ, Đặng Đình Khánh và Đặng Đình Đền và thành lập chi bộ, đồng chí Đặng Đình Tụ được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Địa điểm tổ chức kết nạp và thành lập chi bộ là ngôi nhà của đồng chí Tụ tại xóm Bến Đò - tức Xóm 3 ngày nay” - Bí thư Đảng ủy xã Đốc Tín Lương Văn Bình cho biết.
Sau thành lập, Chi bộ Đốc Tín đã lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Đầu năm 1945, đồng chí Đỗ Mười là Tỉnh ủy viên (khi đó) về lãnh đạo phong trào ở Mỹ Đức, Ứng Hòa. Đồng chí Đỗ Mười đã về Đốc Tín lãnh đạo nhân dân chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, Đảng bộ, nhân dân xã Đốc Tín đã động viên nhân dân chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Toàn xã có 80 liệt sĩ, 21 thương binh, 13 bệnh binh; 7 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”... Nhân dân xã Đốc Tín được tặng thưởng danh hiệu đơn vị "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ xã Đốc Tín đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Đặc biệt, từ năm 2015, xã Đốc Tín đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới với hạ tầng khang trang, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Hiện nay, xã Đốc Tín đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Toàn xã đã chuyển đổi được hơn 40/165ha đất sản xuất sang các mô hình vườn - ao - chuồng. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Trường (thôn Đốc Tín) có 2ha vừa thả cá, nuôi lợn và trồng cây ăn quả. “Lúc cao điểm, gia đình tôi có 800 con lợn thịt. Năm 2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều nơi nhưng đàn lợn của gia đình tôi không bị ảnh hưởng” - anh Trường cho biết.
Kinh tế phát triển, nhân dân xã Đốc Tín đã có điều kiện đóng góp xây dựng quê hương. Quá trình dồn điền đổi thửa, các gia đình ở xã Đốc Tín đều hiến đất nông nghiệp để địa phương mở rộng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Nhờ vậy, Đốc Tín đã có hệ thống giao thông nông thôn hoàn thiện, thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. “Xã Đốc Tín có 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia; xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 3/3 thôn có nhà văn hóa khang trang. Xã đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2020-2025” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Khánh tự hào cho hay.
Trở lại Xóm 3 của thôn Đốc Tín - nơi chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Mỹ Đức được thành lập, xóm làng đang từng ngày đổi thay. “Xóm 3 có khoảng 300 nóc nhà. Bà con vừa đón Tết Nguyên đán ấm cúng, đủ đầy. Bà con Đốc Tín còn luôn nhắc nhở nhau phát huy truyền thống trong xây dựng cộng đồng dân cư ngày càng giàu đẹp” - Bí thư Chi bộ thôn Đốc Tín (xã Đốc Tín) Đặng Đình Phấn vui mừng nói.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới