Lịch sử hình thành xã Đốc Tín

19/10/2021
Lịch sử hình thành xã Đốc Tín: gồm Thôn Đốc Tín, Thôn Đốc Hậu, Thôn Đốc Kính

1. Làng Đốc Tín:

Khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV (thời Lý-Trần) một nhóm cư dân từ địa phương khác đến đây khai hoang, vỡ hoá. Lúc đầu chỉ là một xóm nhỏ mom sông, vừa trồng trọt và chài lưới để sinh nhai. Sau này có thêm nhiều cư dân nữa kéo về, cứ thế, từ xóm nhỏ thành xóm to, từ xóm to thành vài ba xóm mới, dần dần trở thành làng.

- Từ thế kỷ XVIII trở về trước, làng có tên là “Gia Tín” thuộc huyện Chương Đức (huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức ngày nay).

- Đầu thế kỷ XIX, thời Gia Long, làng “Gia Tín” thuộc huyện Hoài An, Phủ Ứng Thiên (tức là nửa huyện Ứng Hoà và huyện Mỹ Đức ngày nay).

- Đến giữa thế kỷ XIX, làng đổi tên thành “Dốc Tín” thuộc huyện Mỹ Lương (tức huyện Mỹ Đức và Lương Sơn ngày nay).

- Đến cuối thế kỷ XIX, làng đổi tên thành “Đốc Tín” như ngày nay, thuộc tổng Trinh Tiết, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông. Xưa kia làng Đốc Tín được chia làm 3 khu: Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, hiện nay có 18 dòng họ chính thức cùng chung sống. Riêng họ Nguyễn có 6 dòng tộc khác nhau về tên đệm, đó là: Nguyễn Văn, Nguyễn Tiến, Nguyễn Danh, Nguyễn Đình, Nguyễn Công, Nguyễn Phúc.

- Từ tháng 2/1948 làng Đốc Tín sát nhập làng Đốc Hậu, làng Đốc Kính thành xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông.

2. Làng Đốc Hậu:

 Là một làng nhỏ sống trên vạn đồi cao giữa bốn bề đồng ruộng, theo thần phả của làng Đốc Hậu được vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XVI) phong phụng soạn chỉnh bản thì làng Đốc Hậu hình thành từ năm 17 (sau công nguyên), lúc ấy làng có tên là “Đốc Kính khu”, Vạn Phúc trang, thuộc huyện Hoài An, sau một thời gian dài làng “Đốc Kính khu” đổi tên thành làng “Đốc Hậu” rồi xã “Đốc Hậu” thuộc tổng Trinh Tiết, huyện Mỹ Đức, Hà Đông. Đốc Hậu xưa vốn là gò đất cao giữa sình lầy, nước nổi, chuyện chép rằng: ngày 12/6 năm 17 sau Công nguyên, tại đầu làng mối đùn lên thành Đống ngôi mộ to. Ngày hôm sau dân làng lập miếu thờ cúng, từ đó cũng hình thành ngôi đình Đốc Hậu cho đến ngày nay. “Đốc Hậu” có ý nghĩa là sự thuần khiết, trong sáng và đức hạnh lớn lao, không pha trộn.

 Cách mạng tháng 8/1945 thành công, làng Đốc Hậu thuộc huyện Mỹ Đức - Hà Đông. Từ tháng 2/1948 làng Đốc Hậu sát nhập với làng Đốc Kính và làng Đốc Tín thành xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Đông.

3.  Làng Đốc Kính:

Làng Đốc Kính nguyên là một xóm lẻ, nằm trên vùng đất bãi ven sông Đáy, khoảng thế kỷ XIII, XIV những cư dân đầu tiên cùng thời với làng Đốc Tín đến đây trồng mầu, đánh cá. Thế kỷ XVIII trở về trước làng Đốc Kính có tên là “Bãi Hà” thuộc huyện Chương Đức, sau thuộc huyện Hoài An. Đến cuối thế kỷ XIX làng “Bãi Hà” đổi tên thành làng “Đốc Kính” như ngày này thuộc xã Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông. Tên làng Đốc Kính có ý nghĩa là thuần khiết, trong sáng, trọng thị, hàm ý nhắc nhở mọi người trong làng luôn kính trên, nhường dưới và tôn trọng lệ làng, phép nước. Làng Đốc Kính có 3 dòng họ Hoàng cùng chung sống hoà đồng, đoàn kết.

Từ tháng 2/1948 làng Đốc Kính sát nhập với 2 thôn Đốc Tín và Đốc Hậu thành xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Đông.

Trước năm 1948 cả 3 làng Đốc Tín, Đốc Hậu và Đốc Kính đều có địa giới và lịch sử riêng, tháng 2/1948 mới hợp nhất 3 làng thành xã Đốc Tín, nghĩa là sự trùng hợp về gốc gác đều thuần khiết, trong sáng và hướng tới tương lai hưng thịnh.

II. Truyền thống Văn hóa, Di tích, Danh thắng:

1.Về văn hóa - xã hội:

Hệ thống giáo dục có đủ 4 cấp học từ Mẫu giáo đến THPT được xây dựng khang trang, trạm y tế đạt chuẩn, xã có 2 ngôi chùa là nơi sinh hoạt tâm linh Phật giáo cho các tín đồ và nhân dân và có 12 nhà thờ của các dòng tộc, là nơi thờ cúng tổ tiên các dòng tộc.

 2. Những công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu.

a. Đình làng Đốc Hậu có nguồn gốc hàng ngàn năm tuổi, nay còn lưu giữ được thần phả của Đình và hai sắc phong, đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh thành, phố theo quyết định số 1516/QĐ-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2005

b. Đền Đồng Dầy làng Đốc Tín: Có niên đại trên trăm tuổi, là nơi chi bộ Đảng cộng sản hội họp trong thời kỳ bí mật, đồng thời là nơi du kích xã bắn rơi máy bay Pháp bằng súng trường.

c. Đình làng Đốc Tín bị giặc Pháp tàn phá năm 1948, nơi diễn ra đại hội Đảng bộ tỉnh Lưỡng Hà, nơi làm việc của quân y viện và ủy ban kháng chiến năm xưa (nay chỉ còn hiện vật).

d. Đình làng Đốc Kính còn giữ được 6 sắc phong của triều đại phong kiến.

III. Truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân:

          Trải qua các thời kỳ chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc và chiến tranh vệ quốc, người dân đã tham gia chiến đấu kiên cường, trên mảnh đất thân yêu đã để lại những dấu ấn rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhất là trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

          Toàn xã có 4 bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng; 80 Liệt sỹ; trên 100 thương binh, bệnh binh, 160 cá nhân được thưởng Huân, Huy chương các loại.

          Với những thành tích và chiến công vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân xã Đốc Tín được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 31/12/2000.
          Phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, Đảng bộ và Nhân dân xã Đốc Tín luôn tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng, củng cố Chính quyền, Mặt trận và các Đoàn thể từ xã đến thôn vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, tập trung xây dựng phát triển kinh tế - xã hội theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (năm 2015 là xã đạt chuẩn nông thôn mới), đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

THÔNG BÁO

Video